Viêm tủy răng không chỉ khiến người bệnh cảm thấy đau nhức, khó chịu mà nếu không được điều trị kịp thời, viêm tủy răng còn gây nên những biến chứng nguy hiểm cho răng miệng. Vì vậy việc điều trị viêm tủy răng là rất cần thiết. Hãy cùng tìm hiểu về điều trị tủy răng trong bài viết này nhé.
1. Viêm tủy răng là bệnh gì?
Tủy răng là một tổ chức đặc biệt gồm mạch máu, thần kinh... nằm trong một hốc giữa ngà răng (hốc tủy răng). Các tổ chức tủy răng thông với cơ thể qua các lỗ rất nhỏ ở cuống răng. Nguyên nhân gây nên viêm tủy răng thường gặp nhất là do vi khuẩn tồn tại ở trong miệng, xâm nhập vào tủy răng chủ yếu qua các lỗ sâu răng và qua các cuống răng...
Ngoài ra viêm tủy răng có thể có nguyên nhân do hóa chất (nhiễm độc chì, thủy ngân...), do yếu tố vật lý (sang chấn, thay đổi áp suất môi trường...). Một số trường hợp không tìm thấy nguyên nhân.
Viêm tủy răng là một phản ứng bảo vệ của tủy răng đối với các tác nhân gây bệnh, bệnh có thể diễn biến qua nhiều giai đoạn, nhiều dạng thương tổn khác nhau: viêm tủy răng có hồi phục (tiền tủy viêm), viêm tủy răng cấp, viêm tủy mạn tính. Khi tủy răng bị viêm, cần điều trị giải quyết triệt để: trước tiên là dùng thuốc giảm đau, sau đó điều trị viêm tủy răng (lấy bỏ tủy răng, hàn kín ống tủy...) Trong và sau điều trị cần chú ý giữ gìn vệ sinh răng miệng để phòng bệnh sâu răng.
2. Biến chứng của viêm tủy răng
2.1. Dễ kích ứng khi ăn
Khi bị viêm tủy răng, bạn rất dễ bị kích ứng khi ăn những món ăn ngọt, chua, nóng hoặc lạnh. Theo đó, mức độ ê buốt, khó chịu sẽ tăng dần theo cấp độ viêm tủy cho đến khi tủy bị hoại tử hoàn toàn. Những cơn ê buốt có thể tồn tại vài giây hoặc vài giờ sau khi ăn.
2.2. Gây mất răng
Khi bị viêm tủy răng ở mức độ 2 và 3, nguy cơ bị mất răng là rất cao. Nếu mất răng ở những vị trí dễ thấy như răng cửa và răng nanh, việc mất răng sẽ làm mất vẻ thẩm mỹ của khuôn mặt.
Bên cạnh đó, nếu mất răng ở nhóm răng hàm, khả năng ăn nhai của bạn sẽ bị giảm sút nghiêm trọng. Hơn thế nữa, vùng mất răng sẽ xuất hiện khu vực khó vệ sinh. Về lâu dài nếu không được vệ sinh kỹ, các răng kế cận cũng sẽ bị ảnh hưởng và có nguy cơ mất thêm răng thật
2.3. Suy nhược cơ thể
Thường xuyên xuất hiện những cơn ê buốt khó chịu sẽ khiến bạn bị mất ngủ, biếng ăn, giảm khả năng ăn nhai,... từ đó khiến sức khỏe tổng quát dần bị suy giảm. Với những người trung niên, điều này sẽ làm tồi tệ hơn tình trạng các bệnh lý trước đó.
3. Các nguyên nhân gây viêm tủy răng
3.1.Thường xuyên ăn những thực phẩm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng
Kẹo, soda (có đường hoặc không đường), thực phẩm có vị chua,... sẽ gây ra hiện tượng xói mòn men răng. Khi lớp bảo vệ răng đã bị phá hủy, các thành phần bên trong, đặc biệt là tủy răng sẽ dễ dàng bị tấn công bởi những thực phẩm dùng hàng ngày.
3.2. Chấn thương vùng mặt có tác động trực tiếp đến răng
Khi bạn bị chấn thương có tác động trực tiếp đến răng thì tủy răng ít nhiều đều sẽ bị ảnh hưởng. Trong một số trường hợp, nếu có một cái răng bị gãy và lộ ra hết phần tủy thì đây sẽ là cơ hội tốt để các vi khuẩn tấn công. Do đó nếu gặp bất kỳ chấn thương nào, bên cạnh kiểm tra sức khỏe tổng quát thì bạn cũng cần kiểm tra thêm sức khỏe răng miệng.
3.3 Nghiến răng
Có rất nhiều người có thói quen nghiến răng khi căng thẳng, sợ sệt hoặc lúc ngủ, đây là thói quen vô cùng có hại với sức khỏe răng miệng. Càng mắc bệnh nghiến răng nặng, răng của bạn sẽ ngày càng suy yếu. Lúc này nếu thường xuyên ăn những thực phẩm có hại cho răng thì bạn sẽ đẩy mạnh nguy cơ mắc bệnh viêm tủy răng hơn.
3.4 Không có chế độ chăm sóc răng miệng tốt
Hiện nay có rất nhiều người bỏ qua tầm quan trọng của việc chăm sóc răng miệng. Những sai lầm như không đánh răng, đánh răng sai cách, không khám nha khoa định kỳ,.... là những nguyên nhân hàng đầu khiến tỷ lệ viêm tủy răng tăng cao.
4. Cách điều trị tủy răng
Các bước tiến hành của việc điều trị tủy răng được diễn ra như sau:
- Bước 1: Gây tê (bước này không cần thực hiện đối với những trường hợp tủy răng đã bị chết)
- Bước 2: Mở đường vào ống tủy
- Bước 3: Dũa sạch và tạo độ thuôn cho ống tủy
- Bước 4: Trám bít ống tủy
Một số đặc điểm của răng làm cho việc chữa tủy thuận lợi hoặc khó khăn hơn, bao gồm các đặc điểm sau:
- Răng sau khó chữa tủy hơn răng phía trước do có nhiều ống tủy hơn và sự há miệng của bệnh nhân cũng hạn chế hơn
- Răng cửa dưới tủy là răng phía trước nhưng hình dáng răng thanh mảnh, ống tủy thường nhỏ hẹp nên việc chữa tủy thường khó hơn các răng khác
- Ống tủy hẹp khó hơn ống tủy rộng
- Ống tủy cong khó hơn ống tủy thẳng
- Ống tủy dài khó hơn ống tủy ngắn
- Chữa tủy xuyên qua mão cho răng đang bọc mão khó hơn chữa cho răng không có bọc mão
Như vậy một ca chữa tủy khó khi răng có một hoặc vài đặc điểm bất lợi, độ khó càng gia tăng khi càng có nhiều yếu tố bất lợi. Tuy nhiên, bạn sẽ nhận được tư vấn trực tiếp từ các bác sĩ chuyên khoa của Nha khoa Hà Nội - Thái Nguyên và sẽ có phác đồ điều trị hiệu quả.